Nhận định không rõ ràng giữa tranh chấp hợp đồng vay tài sản và hợp đồng đặt cọc – bài học từ thực tiễn xét xử
19/05/2025
Trong tố tụng dân sự, việc xác định và hiểu đúng bản chất quan hệ pháp luật tưởng chừng đơn giản nhưng là một trong những nền tảng quan trọng để giải quyết vụ án đúng quy định, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Thực tiễn vẫn tồn tại các vụ việc Tòa án không đúng hoặc không nhất quán trong xác định quan hệ pháp luật dẫn đến hệ quả nghiêm trọng. Vụ án dân sự giữa bà Phan Thị T (bà T) và ông Trần Quang C (ông C) là một ví dụ điển hình, khi bản án sơ thẩm không những có những mâu thuẫn nội tại mà còn vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dẫn đến hủy án.
Theo đó, bà T khởi kiện yêu cầu ông C và bà Lê Thị T (bà T1) có nghĩa vụ liên đới trả lại cho bà T số tiền 125.000.000 đồng và tiền lãi với mức lãi suất 1%/tháng, thời gian tính lãi từ ngày 01/01/2022 đến ngày 27/9/2024 là 33 tháng, với số tiền 41.250.000 đồng nhưng bà T chỉ yêu cầu số tiền lãi là 40.000.000 đồng.
Bà T trình bày, do có nhu cầu mua đất và qua sự giới thiệu nên bà T biết ông C có dự định chuyển nhượng 02 thửa đất do mẹ ông C là bà T1 đứng tên (ủy quyền cho ông C đứng ra giao dịch). Trước khi thỏa thuận chuyển nhượng đất thì do gia đình ông C khó khăn nên bà T đã cho ông C và bà T1 mượn tiền nhiều lần, tổng cộng ông C đã nhận qua tài khoản Ngân hàng và tiền mặt của bà T là 125.000.000 đồng (đưa 02 lần tiền mặt 20.000.000 đồng và 5.000.000 đồng, chuyển khoản cho ông Chiêu 03 lần với số tiền 100.000.000 đồng). Bà T khẳng định số tiền 125.000.000 đồng là tiền vay và ông C, bà T1 thỏa thuận bán đất rồi trả tiền cho bà T nhưng đã bán đất cho người khác mà đến nay không trả, trong khi đó bị đơn ông C, bà T1 không thừa nhận số tiền vay mà cho rằng đây là số tiền nguyên đơn đặt cọc để mua đất của bị đơn.
Tòa án cấp sơ thẩm ban đầu thụ lý vụ án với quan hệ “Tranh chấp hợp đồng đặt cọc”, theo nội dung đơn khởi kiện. Tuy nhiên, khi xét xử, Hội đồng xét xử lại tuyên án chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”, đồng thời phân chia số tiền 125 triệu đồng thành hai phần: 75 triệu đồng là tiền vay, 50 triệu đồng là tiền đặt cọc. Việc phân định không rõ ràng giữa quan hệ pháp luật “đặt cọc” hay “vay tài sản” trong quá trình giải quyết vụ án là chưa phù hợp với tài liệu chứng cứ và Thông báo về việc thụ lý vụ án ban đầu. Bởi vì nếu xác định quan hệ tranh chấp là “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” thì yêu cầu khởi kiện đòi tiền gốc vay 125.000.000 đồng và tiền lãi 40.000.000 đồng của bà Triệu không có cơ sở chấp nhận do không có chứng cứ chứng minh số tiền trên là tiền vay và ông C, bà T1 cũng không thừa nhận. Trường hợp bà T thừa nhận số tiền 125.000.000 đồng bà đưa và chuyển cho ông C, bà T1 là tiền đặt cọc và xác định “Tranh chấp hợp đồng đặt cọc” thì cần thu thập thêm chứng cứ xác định lỗi của hai bên trong việc không tiến tới hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xem xét giải quyết số tiền đặt cọc theo quy định của pháp luật.
Đáng chú ý hơn là sự mâu thuẫn trong bản án: phần nhận định của bản án khẳng định 50 triệu đồng là tiền đặt cọc và không thuộc nội dung yêu cầu khởi kiện nên không xem xét, nhưng phần quyết định lại tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện đối với số tiền này và buộc nguyên đơn chịu án phí tương ứng. Đây là một sai sót nghiêm trọng cả về tố tụng lẫn nội dung, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, cần rút kinh nghiệm tránh tạo tiền lệ trong việc xét xử các tranh chấp dân sự tương tự.
Những thiếu sót trên của cấp sơ thẩm dẫn tới cấp phúc thẩm không thể khắc phục được dẫn nên phải hủy án và giao hồ sơ vụ án về cấp sơ thẩm giải quyết lại. Sai lầm không đáng có trong xác định quan hệ tranh chấp và sự thiếu nhất quán giữa phần nhận định và phần quyết định trong bản án dẫn đến vụ án phải hủy để xét xử lại. Bài học rút ra từ thực tiễn đòi hỏi cần thận trọng hơn trong việc nghiên cứu hồ sơ, xác định đúng bản chất pháp lý của vụ việc và tuân thủ nghiêm túc quy trình tố tụng./.
Nguyễn Thị Xuyến
Nguyễn Thị Xuyến