image banner
“Dao có tính sát thương cao” có thể là vũ khí quân dụng

Sáng 29/6/2024, Quốc hội thông qua Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2024. Luật này có hiệu lực kể từ 01/01/2025, trong đó nhiều quy định về chế độ quản lý “dao có tính sát thương cao” có liên quan trực tiếp đến công tác điều tra, truy tố, xét xử cần trao đổi đồng nghiệp, nghiên cứu áp dụng khi có sự việc xảy ra:

- Dao có tính sát thương cao là dao sắc, dao nhọn thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành (khoản 6 Điều 2 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ).

- Dao có tính sát thương cao quy định tại khoản 6 Điều 2 sử dụng với mục đích để thực hiện hành vi phạm tội, gây rối, làm mất trật tự công cộng hoặc chống đối cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, người thi hành công vụ (trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 2) là vũ khí thô sơ (điểm b khoản 4 Điều 2 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ).

- Súng săn, vũ khí quy định tại điểm a khoản 4, vũ khí quy định tại điểm a khoản 5 và dao có tính sát thương cao quy định tại khoản 6 Điều 2 sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật là vũ khí quân dụng (điểm d khoản 2 Điều 2 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ).

Như vậy, dao có tính sát thương cao sẽ có 3 chế độ quản lý, tương ứng từng mục đích sử dụng.

Thứ nhất, sử dụng dao có tính sát thương cao với mục đích thực hiện hành vi phạm tội, gây rối, làm mất trật tự công cộng hoặc chống đối người thi hành công vụ, thì quy định là vũ khí thô sơ.

Thứ hai, sử dụng dao có tính sát thương cao với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật, thì quy định là vũ khí quân dụng.

Thứ ba, sử dụng dao có tính sát thương cao phục vụ mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt hàng ngày thì không coi là vũ khí.

Ngày 15/11/2024, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư số 75/2024/TT-BCA quy định chi tiết một số điều luật của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sau đây gọi tắt là Thông tư số 75) quy định dao có tính sát thương cao bao gồm 4 chủng, loại sau:

(1) Dao sắc, nhọn: Cấu tạo, đặc điểm cơ bản, bao gồm: Tay cầm, lưỡi dao; lưỡi sắc và nhọn, hình dạng thẳng hoặc cong, có chiều dài từ 12cm trở lên, chiều rộng từ 2cm trở lên;

(2) Dao sắc: Cấu tạo, đặc điểm cơ bản, bao gồm: Tay cầm, lưỡi dao; lưỡi sắc không có đầu nhọn, hình dạng thẳng hoặc cong, chiều dài từ 20cm trở lên, chiều rộng từ 05cm trở lên;

 (3) Dao gấp, dao bấm: Cấu tạo, đặc điểm cơ bản, bao gồm: Tay cầm, lưỡi dao; lưỡi có một hoặc nhiều cạnh sắc, nhọn, gấp hoặc bấm lại được, chiều dài từ 07cm trở lên;


(4) Dao tự chế hoặc hoán cải: Cấu tạo, đặc điểm cơ bản, bao gồm: Tay cầm, lưỡi dao; tay cầm dài từ 30cm trở lên; lưỡi có chiều dài từ 05cm trở lên, sắc nhọn hoặc sắc hoặc nhọn.

Anh-tin-bai
Anh-tin-bai

Hình ảnh thực được nêu trong Thông tư số 75

Căn cứ khoản 2, 4, 6 Điều 2 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, tinh thần quy định tại Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP ngày 09/9/2022 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 304, Điều 305, Điều 306, Điều 307 và Điều 308 của Bộ luật Hình sự, Thông tư số 75, từ 01/01/2025, một số vụ án về các tội xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe con người (ví dụ: giết người, gây thương tích,…) mà các bị can dùng dao sắc, nhọn thuộc Phụ lục 5 - Danh mục dao có tính sát thương cao (Ban hành kèm theo Thông tư số 75) phạm tội thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 02 tội “Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng” và tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe tương ứng nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Khi xử lý các vụ việc hình sự có đối tượng sử dụng dao có tính sát thương cao thực hiện hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ con người trái pháp luật các cơ quan tiến hành tố tụng cần thận trọng trong điều tra, thu thập, đánh giá chứng cứ. Trong từng vụ việc cụ thể xác định dao có tính sát thương cao có là vũ khí quân dụng hay không phải thực hiện trưng cầu giám định đúng quy định tại khoản 5 Điều 206 BLTTHS như trưng cầu giám định xác định vũ khí quân dụng để làm căn cứ giải quyết triệt để, không tuỳ tiện đánh giá chứng cứ chủ quan khi thực hiện quy trình tố tụng./.

Nguyễn Ngọc Ái

Nguyễn Ngọc Ái
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập