Kiến nghị phòng ngừa tội phạm Lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng
Trong khoảng thời gian từ tháng 12/2022 đến tháng 3/2024, trên địa bàn tỉnh Long An đã xảy ra 23 vụ việc “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” qua mạng xã hội, “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, Cơ quan điều tra đã khởi tố 16 vụ, trong đó: 11 vụ về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” qua mạng xã hội và 04 vụ tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 174, Điều 290 Bộ luật Hình sự. Điển hình như: Ngày 12/5/2023, ông C đăng ký tham gia vào nhóm Telegram “Giải trí du lịch” trên mạng xã hội. Để tham gia, ông C phải nộp 200.000 đồng phí đăng ký và 1.000.000 đồng kích hoạt thẻ để sử dụng và nộp tiếp 6.000.000 đồng để nâng cấp lên thẻ VIP, tham gia bình chọn, thực hiện nhiệm vụ trong nhóm rồi được rút tiền về. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ông C nhận được thông báo thực hiện sai thao tác, không rút được tiền, yêu cầu nộp thêm tiền để sửa chữa mới nhận lại được tiền. Thực hiện theo yêu cầu của đối tượng, ông C đã nhiều lần chuyển tổng số tiền 3.600.000.000 đồng đến tài khoản mà các đối tượng cung cấp. Sau đó các đối tượng đã chiếm đoạt số tiền của ông C.
Hiện nay các hình thức lừa đảo trên không gian mạng để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao được kẻ lừa đảo thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau và ngày càng tinh vi, trong đó nhắm vào nhiều nhóm đối tượng, bao gồm: Người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, đối tượng công nhân, nhân viên văn phòng… Mỗi nhóm đối tượng ở độ tuổi khác nhau, kẻ lừa đảo thực hiện những hình thức dẫn dụ khác nhau, mục tiêu chung là lấy lòng tin, đánh cắp thông tin người dùng, sau đó chiếm đoạt tài sản. gồm 03 nhóm:
Nhóm 1: Giả mạo thương hiệu: Giả mạo thương hiệu của các tổ chức như Ngân hàng, cơ quan nhà nước, công ty tài chính… để gửi SMS lừa đảo cho nạn nhân; Giả mạo các trang web/blog chính thống (giao diện, địa chỉ tên miền/đường dẫn…) tạo uy tín lừa nạn nhân, thu thập thông tin cá nhân của người dân.
Nhóm 2: Chiếm đoạt tài khoản: Chiếm quyền sử dụng các tài khoản mạng xã hội (Zalo, Facebook, …) để tiến hành gửi tin nhắn lừa đảo cho bạn bè người thân nhằm chiếm quyền tài khoản, lấy cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản, bôi nhọ danh dự, tống tiền…
Nhóm 3: Các hình thức kết hợp: Sử dụng số điện thoại (trong nước, nước ngoài, đầu số lạ…) giả danh cơ quan chức năng, công an, nhà mạng viễn thông… để tiến hành gọi điện thoại cho nạn nhân thông báo vi phạm pháp luật và yêu cầu chuyển khoản; Sử dụng số điện thoại đầu số lạ gọi điện cho nạn nhân, khi bắt máy nạn nhân sẽ bị trừ tiền trong tài khoản mà không hề hay biết; Giả mạo email của ngân hàng, ví điện tử, tổ chức uy tín để uy hiếp, đe doạ lừa tiền nạn nhân; Đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp với mức siêu lợi nhuận; Có người gửi bưu kiện, trúng thưởng hoặc có khoản tiền ngoại tệ chuyển đến... cần có tiền ứng trước để lấy ra; Cho số đánh đề, mua xổ số trăm phát trăm trúng…
Qua phân tích các vụ án cho thấy, nguyên nhân xảy ra các vụ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” qua mạng xã hội, “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”:
Công tác tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước trong phát triển KTXH và phòng ngừa các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản chưa sâu rộng, người dân chưa được tiếp cận kịp thời đầy đủ, chính xác thông tin, nhất là các thông tin về quy hoạch, chế độ, chính sách an sinh xã hội, đầu tư, sản xuất, kinh doanh… Một số bộ phận quần chúng nhân dân nhận thức còn hạn chế, mất cảnh giác để tội phạm lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Công tác quản lý nhà nước ở nhiều lĩnh vực như tài chính, ngân hàng không gian mạng, đất đai, công chứng… còn tồn tại sơ hở, thiếu sót; Sự phối hợp giữa các cơ quan, các ngành, các cấp chưa đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả chưa cao.
Các đối tượng phạm tội sử dụng thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện; Mặt khác, trình độ nhận thức của một số người dân khi đăng nhập sử dụng máy tính, thiết bị số, mạng thông tin đối với việc đảm bảo an toàn cho thiết bị và hệ thống thông tin còn thấp, dẫn đến thiếu thông tin, không cảnh giác với các đối tượng phạm tội, thiếu hiểu biết về pháp luật, nhẹ dạ cả tin, tin tưởng vào các đối tượng, sợ hãi lo lắng khi bị các đối tượng hâm dọa, dụ dỗ, uy hiếp tin thần nên chuyển tiền cho các đối tượng… đến khi bị mất tài sản mới biết bị lừa đảo.
Trước diễn biến phức tạp trên thì công tác đấu tranh phòng chống tội phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng được tiến hành khẩn trương. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An đã chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra và Toà án nhân dân, điều tra, truy tố, xét xử khẩn trương, chính xác đúng người, đúng tội, đúng tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi phạm tội nhằm mục đích giáo dục, thúc đẩy phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc, giữ gìn trật tự xã hội nhưng đến nay tội phạm này vẫn chưa có chiều hướng giảm. Không chỉ ở giai đoạn hiện tại mà trong thời gian tới, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng nếu không có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Để đảm bảo phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn, đặc biệt là các tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng intenet. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An đã ban hành kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh và Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Long An một số nội dung như:
Thứ nhất: Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã Kiến Tường, thành phố Tân An tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm Kết luận số 05-KL/TW ngày 15 tháng 7 năm 2016 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”; Kết luận số 44-KL/TW ngày 22 tháng 1 năm 2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW của Ban Bí thư khoá XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và công tác thi hành án…
Thứ hai: Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các cơ quan thông tấn, báo chí thường xuyên xây dựng tin bài, phóng sự tuyên truyền, cảnh báo các phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng; tăng cường thời lượng phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thứ tư: Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến nhân dân về thủ đoạn, các hành vi lừa đảo qua mạng xã hội của các đối tượng nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác với tội phạm như: Khuyến cáo nhân dân không cung cấp thông tin, hình ảnh cá nhân hoặc đăng tải lên mạng xã hội; Không cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khi chưa biết họ là ai và sử dụng vào mục đích gì; Không cung cấp tên, nhập tên đăng nhập, mật khẩu của mình truy cập/mã PIN internet banking, mã OTP cho người khác hoặc vào trang web hoặc liên kết lạ khác với những trang web chính thống của ngân hàng đã và đang sử dụng…
Ngoài ra, tuyên truyền người dân hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân của mình trên mạng trừ khi chắc chắn thông tin được sử dụng có kiểm soát, không nên gửi thông tin cá nhân như: Căn cước công dân, hộ chiếu, bằng lái xe...qua mạng, chỉ cung cấp thông tin cá nhân cho cá nhân và tổ chức tin tưởng.
Thứ năm: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Long An chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh quản lý chặt các hoạt động đăng ký, mở tài khoản, đặc biệt là các tài khoản online; kịp thời phối hợp cung cấp thông tin, phong tỏa tài khoản ngân hàng có dấu hiệu vi phạm khi Cơ quan Công an yêu cầu; đối với các giao dịch nghi ngờ, hướng dẫn khách hàng cụ thể, tránh rút, chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo.
Thứ sáu: Sở Giáo dục và Đào tạo, Đại học Kinh tế - kỹ thuật - công nghiệp, các trường Cao đẳng, Trung học dạy nghề trên địa bàn tỉnh thông qua các buổi học ngoại khóa phổ biến, quán triệt cho các em học sinh, sinh viên nắm các phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo qua mạng; yêu cầu các em không cung cấp, đăng ký thuê bao di động, mở tài khoản ngân hàng để bán, cho, tặng người khác sử dụng, tránh bị các đối tượng lợi dụng, lừa đảo.
Thứ bảy: Công an tỉnh chủ trì, tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng triển khai các biện pháp nghiệp vụ, biện pháp kỹ thuật để phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, làm rõ các đối tượng lợi dụng không gian mạng, sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo Hướng dẫn số 14/HDLN-BCA-VKSNDTC của Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao “về công tác phối hợp tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.
Tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể tích cực tham gia phòng, chống các loại tội phạm, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường công tác nắm tình hình, quản lý chặt chẽ các đối tượng trọng điểm hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet; chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tổ chức điều tra, xác minh, đấu tranh, xử lý nghiêm đối với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet.
Phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý, rà soát phát hiện và khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong những lĩnh vực thường xảy ra tội phạm lừa đảo, quản lý chặt chẽ thuê bao điện thoại di động... Phối hợp với các ngân hàng phong tỏa tài khoản, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt và phối hợp với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông để phát hiện, truy vết tội phạm.
Thứ tám: Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ Cơ quan tiến hành tố tụng 02 cấp trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án có liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp về tài sản của Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân, không để xảy ra oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm.
Thứ chín: Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong Nhân dân, đoàn viên, hội viên, người lao động về tội phạm sử dụng công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; thường xuyên thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm thông qua các hội nghị tập huấn, sinh hoạt chuyên đề, các hoạt động an sinh xã hội để cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên biết, cảnh giác, chủ động phòng ngừa tội phạm./.
Bé Lin