image banner
Lịch sử hình thành và phát triển

KHÁI QUÁT LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH LONG AN

I. Vị trí địa lý

Tỉnh Long An có vị trí địa lý tiếp giáp thành phố Hồ Chí Minh về phía Đông, phía Bắc giáp Vương quốc Campuchia và tỉnh Tây Ninh, phía Tây giáp tỉnh Đồng Tháp, phía Nam giáp tỉnh Tiền Giang. Diện tích tự nhiên của tỉnh là 4.491,87km2. Tỉnh có 15 đơn vị hành chính cấp huyện bao gồm 13 huyện, thị xã Kiến Tường và thành phố Tân An; có 05 huyện tiếp giáp với Vương quốc Campuchia với đường biên giới dài 132,9km.

Sau ngày miền Nam giải phóng thống nhất đất nước, theo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân hệ thống Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh phía Nam được thành lập. Ngày 01/6/1976 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An được thành lập và Viện kiểm sát cấp huyện được thành lập theo đơn vị hành chính của Tỉnh.

II. Giai đoạn 1976 – 1986

1. Về tổ chức bộ máy

Khi mới thành lập, Viện kiểm sát tỉnh có 02 bộ phận nghiệp vụ là hình sự và dân sự; 08 đơn vị Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện là: Bến Thủ, Vàm Cỏ, Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa, Đức Huệ, Mộc Hóa và thị xã Tân An. Tháng 3/1978 thành lập Viện kiểm sát huyện Vĩnh Hưng (tách ra từ huyện Mộc Hóa). Năm 1981 Viện kiểm sát nhân dân huyện Tân Thạnh được thành lập (tách ra từ huyện Mộc Hóa). Tháng 3/1983 Viện kiểm sát nhân dân huyện Bến Thủ tách ra làm 02 huyện là huyện Thủ Thừa và huyện Bến Lức.

Về cán bộ lãnh đạo ngày 01/6/1976 đồng chí Đinh Khang, Trưởng tiểu ban bảo vệ nội bộ an ninh Khu 8 được điều động về làm Viện trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Phiến được tăng cường từ miền Bắc vào làm Phó Viện trưởng cùng một số đồng chí từ các ngành khác chuyển sang. Đầu năm 1977 Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục tăng cường một số đồng chí từ miền Bắc vào để xây dựng và củng cố bộ máy nâng tổng số cán bộ vào cuối năm 1978 lên 30 đồng chí. Về trụ sở ở tạm với Tòa án nhân dân tỉnh tại số 114 đường Trương Định, phường 1, thị xã Tân An.

2. Thực hiện chức năng nhiệm vụ

Từ năm 1976 – 1980 phối hợp chặt chẽ với Công an và Tòa án nhân dân tỉnh thực hiện Sắc lệnh 03-SL/76 về quy định tội phạm và hình phạt đồng thời áp dụng 02 Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa và tài sản riêng công dân đưa ra xét xử tội phạm hình sự, tội phản cách mạng, tội phạm đầu cơ tích trữ phá hoại chính sách. Điển hình như năm 1978 phối hợp cùng các ngành kịp thời điều tra, truy tố, xét xử vụ bạo loạn, lật đổ chính quyền xảy ra tại xã Long Ngãi Thuận, huyện Thủ Thừa.

Trong giai đoạn này Hiến pháp 1980 được ban hành, Viện kiểm sát đã thực hiện tốt Điều 138 Hiến pháp qui định chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật đấu tranh phòng chống tội phạm, phân phối lưu thông, chính sách tiền tệ, cải tạo công thương nghiệp.

III. Giai đoạn 1986 – 2001

1. Về tổ chức bộ máy

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh có sự đổi mới về bộ máy hoạt động và tổ chức cán bộ, một số Viện kiểm sát huyện mới được thành lập do chia tách đơn vị hành chính. Ngày 02/5/1989 Viện kiểm sát nhân dân huyện Vàm Cỏ được chia tách thành Viện kiểm sát nhân dân huyện Châu Thành và Viện kiểm sát nhân dân huyện Tân Trụ. Ngày 07/8/1989 Viện kiểm sát nhân dân huyện Thạnh Hóa được thành lập (tách ra từ huyện Mộc Hóa). Ngày 05/01/1995 thành lập Viện kiểm sát nhân dân huyện Tân Hưng (tách ra từ huyện Vĩnh Hưng). Tổ chức bộ máy bao gồm 08 Phòng nghiệp vụ và 14 Viện kiểm sát nhân dân huyện, thị xã.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được quan tâm, trên 130 đồng chí được đào tạo có trình độ Cao đẳng kiểm sát và Cử nhân Luật. Năm 1992 đồng chí Đinh Khang Viện trưởng đến tuổi nghỉ hưu, Tỉnh ủy điều động đồng chí Lý Văn Bé, Chủ nhiệm Thanh tra Tỉnh làm Viện trưởng đến năm 1997 nghỉ hưu, đồng chí Nguyễn Lâm Sơn, Phó Viện trưởng được bổ nhiệm làm Viện trưởng.

Năm 1993 Viện kiểm sát nhân dân tối cao đầu tư xây dựng trụ sở Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đến năm 1996 hoàn thành đưa vào sử dụng tại số 53 Nguyễn Huệ, phường 1, thị xã Tân An đến nay.

2. Thực hiện chức năng nhiệm vụ

Ngành kiểm sát thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1981, sửa đổi bổ sung năm 1989 và Điều 137 Hiến pháp năm 1992.

Về công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật hành chính, kinh tế, xã hội đã tiến hành kiểm sát trực tiếp Ngân hàng (1990 – 1991), Xây dựng cơ bản (1993), quản lý và sử dụng đất đai (1994), Hải quan (1995), việc chấp hành nghĩa vụ thuế (1996). Qua kiểm sát đã phát hiện nhiều vi phạm yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố nhiều vụ án thu hồi cho ngân sách nhà nước hàng tỷ đồng góp phần chấn chỉnh trật tự pháp luật trong quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội. Công tác kiểm sát văn bản cũng được chú trọng kháng nghị hủy bỏ, kiến nghị thu hồi nhiều văn bản ban hành trái thẩm quyền của các cơ quan nhà nước đồng thời kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện mở hội nghị pháp chế nhằm chấn chỉnh, khắc phục sai phạm.

Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự từng bước được hoàn thiện. Bộ luật hình sự năm 1985 được sửa đổi, bổ sung vào các năm 1989, 1990, 1992, 1997, 1999 quy định rõ ràng, cụ thể  là căn cứ pháp lý để Viện kiểm sát thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ tạo sự chủ động đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong tình hình mới.

Công tác kiểm sát giải quyết án dân sự đã tham gia 100% các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm giám đốc thẩm. Qua kiểm sát xét xử phát hiện nhiều vi phạm đã ban hành nhiều kháng nghị nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, pháp luật được tuân thủ một cách thống nhất.

Công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, dân sự, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp được tập trung thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu của ngành.

III. Giai đoạn 2002 – 2010

1. Về tổ chức bộ máy

Theo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002, Viện kiểm sát không thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật về hành chính, kinh tế, xã hội mà tập trung kiểm sát án dân sự đòi hỏi Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đổi mới về tổ chức, công tác cán bộ. Biên chế được Viện kiểm sát nhân dân tối cao phân bổ 218 biên chế gồm 10 phòng nghiệp vụ và 14 Viện kiểm sát cấp huyện (năm 2009 Viện kiểm sát thị xã được nâng lên thành Viện kiểm sát nhân dân thành phố Tân An). Ban lãnh đạo Viện kiểm sát tỉnh quan tâm đầu tư nâng cao trình độ bằng nhiều loại hình đào tạo, có 04 đồng chí có trình độ Thạc sĩ Luật, 153 đồng chí Cử nhân Luật, trên 150 đồng chí được đào tạo ngoại ngữ và tin học.

Ngày 03/12/2007 đồng chí Nguyễn Lâm Sơn, Viện trưởng nghỉ hưu; đồng chí Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Phó Viện trưởng được bổ nhiệm Viện trưởng đến tháng 9/2008 đồng chí Nguyễn Thị Thủy Khiêm được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; đồng chí Trần Thị Nhanh, Phó Viện trưởng được bổ nhiệm Viện trưởng.

2. Thực hiện chức năng nhiệm vụ

Thực hiện tốt Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới, Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Thực hiện Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, kể từ ngày 01/4/2003 thực hiện thông khâu kiểm sát điều tra, xét xử sơ thẩm theo hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao tạo điều kiện cho Kiểm sát viên nắm chắc hồ sơ, chủ động xét hỏi từng bước nâng cao chất lượng tranh luận tại phiên tòa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Nâng cao chất lượng kiểm sát điều tra không để xảy ra trường hợp Viện kiểm sát truy tố, Tòa án tuyên không phạm tội, chọn được nhiều vụ án trọng điểm xét xử lưu động phục vụ tình hình chính trị địa phương.

Công tác kiểm sát xét xử dân sự thực hiện Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, việc kiểm sát thông báo thụ lý, kiểm sát bản án, quyết định đạt hiệu quả. Công tác kháng nghị đạt số lượng cao và chất lượng được chấp nhận trên 80% bảo vệ được quyền, lợi ích chính đáng của tổ chức và công dân.

Công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam và giáo dục người chấp hành án phạt tù; công tác kiểm sát thi hành án hình sự, dân sự; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp không ngừng nâng cao chất lượng. Ngoài ra hoạt động của Văn phòng tổng hợp và Phòng thống kê tội phạm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý chỉ đạo điều hành, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chuyên môn đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý hành chính tư pháp.

IV. Giai đoạn 2010 – 2020

1. Về tổ chức bộ máy

Thực hiện Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, với chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Biên chế được Viện kiểm sát nhân dân tối cao phân bổ 283 có 12 phòng nghiệp vụ (phòng kiểm sát giải quyết án hành chính, kinh doanh, thương mại, lao động được tách ra từ phòng kiểm sát giải quyết án dân sự và thành lập Thanh tra ngành) và 15 đơn vị Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện (thành lập Viện kiểm sát nhân dân thị xã Kiến Tường và thành lập mới Viện kiểm sát nhân dân huyện Mộc Hóa tách ra từ huyện Mộc Hóa củ). Thực hiện đề án hoàn thiện bộ máy Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Viện đã đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho chủ trương sát nhập Phòng thống kê tội phạm và công nghệ thông tin vào Văn phòng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Ngày 31/01/2020 Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Hướng dẫn số 37/HD-VKSTC về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy cấp phòng thuộc VKSND tỉnh. Ngày 31/01/2020 VKSND tối cao ban hành Quyết định số 52/QĐ-VKSTC về việc sát nhập đơn vị cấp phòng thuộc VKSND tỉnh Long An. Theo quyết định, Phòng Kiểm sát giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (phòng 12) sát nhập vào Thanh tra gọi là Thanh tra – khiếu tố; phòng kiểm sát thi hành án dân sự (phòng 11) sát nhập vào phòng kiểm sát tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự thành phòng kiểm sát tạm giữ, tạm giam và thi hành án (phòng 8).Trình độ cán bộ được Lãnh đạo Viện quan tâm đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Hầu hết cán bộ lãnh đạo Viện kiểm sát cấp huyện và các phòng nghiệp vụ đều được đào tạo Cao cấp lý luận chính trị. Về chuyên môn nghiệp vụ có 01 Tiến sĩ, 12 Thạc sĩ, 14 đang đào tạo Cao học, số cán bộ còn lại đều có trình độ Đại học Luật.

Tháng 12/2010 đồng chí Trần Thị Nhanh được Tỉnh ủy điều động giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy, đồng chí Đinh Văn Sang, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Tân An được bổ nhiệm giữ chức vụ Viện trưởng cho đến ngày 01/11/2019 nghỉ hưu theo chế độ. Viện trưởng VKSND tối cao phân công đồng chí Nguyễn Công Pha, Phó Viện trưởng phụ trách VKSND tỉnh. Ngày 01/4/2020 đồng chí Trương Văn Nghị, Phó Viện trưởng được VKSND tối cao bổ nhiệm giữ chức vụ Viện trưởng.

Về trụ sở được Viện kiểm sát nhân dân tối cao vàTỉnh ủy quan tâm đầu tư, trụ sở mới được khởi công vào tháng 6/2018 với qui mô 07 tầng tại tuyến tránh quốc lộ 1, phường 4, thành phố Tân An dự kiến đưa vào sử dụng vào tháng 11/2020.

Anh-tin-bai

                                                                Trụ sở Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An.

2. Thực hiện chức năng nhiệm vụ

Thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng về chiến lược cải cách tư pháp, Hiến pháp năm 2013, các đạo luật mới về tư pháp nhất là Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam. Tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn là thực hành quyền công tố bảo đảm chống oan, sai trong tố tụng hình sự, nâng cao chất lượng điều tra, xét xử các vụ án hình sự nhất là các tội phạm về môi trường, tội phạm công nghệ cao, tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen, các tội xâm phạm trẻ em. Từng bước nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa góp phần thực hiện chiến lược cải cách tư pháp. Nhiều vụ án  đưa ra xét xử được dư luận quan tâm như vụ án Lục Gia Khánh cùng đồng bọn sản xuất, mua bán trái phép chất ma túy xảy ra tại huyện Đức Hòa, vụ Cướp tài sản có vũ khí xảy ra tại địa bàn các huyện Đức Hòa, Đức Huệ… Viện kiểm sát đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị sơ kết công tác thụ lý giải quyết tin báo tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố đưa công tác này đi vào nề nếp có hiệu quả tránh bỏ lọt tội phạm và làm oan người vô tội.  Viện kiểm sát phối hợp với Tòa án ký kết qui chế chọn án xét xử rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng tranh tụng và xét xử tại phiên tòa, nhiều phiên tòa được truyền hình trực tuyến đến hai cấp để rút kinh nghiệm.

Công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam và giáo dục người chấp hành án phạt tù được kiểm sát chặt chẽ bảo đảm quyền con người, quyền công dân; công tác kiểm sát thi hành án hình sự, dân sự; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp được nâng cao chất lượng đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

Kiểm sát chặt chẽ các hoạt động tư pháp nhất là các tranh chấp dân sự, kinh tế kiên quan đến đất đai, khiếu kiện đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả quản lý chỉ đạo điều hành. Ứng dụng phần mềm trong quản lý án hình sự, dân sự bảo đảm hệ thống truyền hình trực tuyến trong Viện kiểm sát hai cấp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Tin khác
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập